MÁCH BẠN KỸ THUẬT CHỌN DỪA GIỐNG
Dừa là cây lấy dầu, là một trong năm cây lấy dầu quan trọng nhất thế giới. Năng suất bình quân của các vườn dừa Việt Nam còn quá thấp: chỉ đạt khoảng 36 - 38 quả/cây/năm so với tiềm năng năng suất (80 - 100 quả/cây/năm, các giống lai 150 quả/cây/năm). Khi biết cách chọn giống tốt có thể nâng cao năng suất thêm 30 - 40%.

BA MỤC TIÊU CHÍNH TRONG CHỌN TẠO DỪA GIỐNG:

- Năng suất cao và ổn định (hàm lượng dầu cao đối với các giống dùng để lấy dầu và chế biến công nghiệp, năng suất quả cao và nước ngọt đối với các giống dừa uống nước).

- Ra hoa sớm, cho quả sớm.

- Thích nghi rộng với các điều kiện môi trường sinh thái, kháng sâu bệnh,...

Dừa xiêm xanh

1.  Đặc điểm của giống dừa cao và giống dừa lùn

Những khác biệt chủ yếu giữa 2 nhóm giống dừa cao và nhóm giống dừa lùn:

2. Tuyển chọn cây mẹ

 Tiêu chuẩn

Trong vườn dừa có sẵn, chọn những cây dừa có đủ 6 tiêu chuẩn sau đây:

- Cây có trên 80 quả mỗi năm (đối với vùng ĐBSCL). Đối với dừa lùn phải từ 100 quả trở lên.

- Trọng lượng cơm dừa tươi mỗi quả ≥ 400g (tương đương ≥ 200g cơm dừa khô trắng). Đối với dừa lùn nước phải có vị ngọt.

- Thân cây phát triển bình thường, không dị dạng, vết sẹo lá khít nhau.

- Tán lá phân bố đều, nhiều lá (30-40 lá).

- Tuổi cây từ 15-45 tuổi đối với dừa cao; 10-30 năm tuổi đối với dừa lùn.

- Không mọc ở những nơi đặc biệt: gần chuồng gia súc, không bị sâu bệnh.

Trong các tiêu chuẩn trên, đặc biệt chú trọng 2 tiêu chuẩn đầu.

 Phương pháp xác định cây mẹ

Cây mẹ được xác định qua các bước:

- Lập phiếu bình tuyển để quản lý và khai thác hiệu quả các cây dừa mẹ được tuyển chọn. Trên phiếu cần ghi rõ địa chỉ cây, giống dừa, đặc điểm sinh trưởng và năng suất cây. 

- Sau khi khảo sát cây dừa theo các tiêu chuẩn trên, dùng sơn đánh dấu theo ký hiệu đã được qui định thống nhất trên phiếu bình tuyển.

- Theo dõi những cây đã đánh dấu trong vòng 3 năm liên tục, chọn lại những cây giống tốt ổn định.

Tuy nhiên để phục vụ sản xuất kịp thời, có thể sử dụng ngay quả giống từ những cây đã được đánh dấu này, nhưng phải tuyển lựa gắt gao trong vườn ươm.

 Tuyển chọn quả giống

Quả giống phải đảm bảo 5 tiêu chuẩn:

- Quả được lấy từ những cây đã được tuyển chọn.

- Quả chín sinh lý hoàn toàn là những quả đã xuất hiện những đốm nâu trên vỏ, lắc nghe róc rách, khi thu về quả cần đươc ủ cho chín hoàn toàn trong vòng 2-3 tuần lễ. Những quả đã chín khô hoàn toàn, khi thu về có thể chuẩn bị đem thúc mầm ngay.

- Chọn quả cỡ trung bình (so với kích thước quả của cùng một giống).

- Quả nặng cân (tùy theo giống).

- Quả không bị hư điếc, sâu bệnh, méo mó, dị hình.

3. Một số giống dừa được nghiên cứu và trồng phổ biến

Trong những năm qua, Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu đã nghiên cứu khuyến cáo một số giống dừa có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt như sau:

Một số giống dừa uống nước (dừa lùn) có giá trị kinh tế cao:

+ Giống dừa Xiêm xanh: là giống dừa uống nước phổ biến nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long, ra hoa sớm sau khoảng 2,5–3 năm trồng, mỗi quày trung bình từ 20 trái, năng suất bình quân 140-150 trái/cây/năm, vỏ mỏng có màu xanh, nước có vị ngọt thanh (Brix: 7-7,5%), hình dạng trái đẹp, màu xanh, cây thấp, thể tích nước 250-350 mL/trái, có nhu cầu tiêu thụ rộng rãi trên thị trường.

+ Giống dừa Xiêm lục: ra hoa sớm nhất trong tất cả các giống dừa Xiêm hiện nay. Thời gian bắt đầu ra hoa 18 – 20 tháng sau khi trồng. Màu sắc, kích thước của trái dừa Xiêm lục cũng giống như dừa Xiêm xanh nhưng hình dạng trái giống trái lê, dưới đáy có quầng xanh đậm, cây thấp. Nước dừa Xiêm lục có vị ngọt thanh, độ đường cao, gáo dày, ít bị vỡ trái trong quá trình sơ chế và vận chuyển.

+ Giống dừa Xiêm đỏ: là giống dừa uống nước, ra hoa sớm sau khoảng 2,5-3 năm trồng, năng suất bình quân 140-150 trái/cây/năm, vỏ trái mỏng có màu nâu đỏ, nước có vị ngọt thanh (Brix: 7-7,5%), thể tích nước 250-350 mL/trái, cũng có chất lượng ngon không kém dừa Xiêm xanh.

+ Giống dừa Xiêm núm: là giống dừa uống nước có chất lượng nước ngon (Brix: 8-9%), ra hoa sau 3 năm trồng, năng suất bình quân 100 – 120 trái /cây/năm, vỏ trái có màu xanh, phần dưới của trái có một núm nhỏ nhô ra, thể tích nước 250 – 350mL/trái.

+ Giống dừa Dứa: là giống dừa uống nước có chất lượng và giá trị kinh tế cao. Tất cả các bộ phận của dừa Dứa đều có mùi thơm lá dứa đặc trưng. Trái có kích thước trung bình, vỏ trái có màu xanh, nước có vị ngọt và mùi thơm lá dứa. Thời gian ra hoa khoảng 2,5-3 năm sau khi trồng, năng suất bình quân 120-150 trái/cây/năm, nước ngọt (Brix: 7-7,5%), thể tích nước 250-350 mL/trái.

 + Giống dừa Lùn vàng Malaysia: có nguồn gốc từ Malaysia, hầu hết các bộ phận trên cây từ lá, hoa, trái, đều có màu vàng rơm, thân cây thấp, ra hoa sớm (sau 3 năm trồng), năng suất cao (từ 200-250 trái/cây/năm), phù hợp với việc phát triển ở các khu du lịch.

+ Giống dừa Lùn đỏ Malaysia: bên cạnh một số đặc điểm như chiều cao thân, năng suất cao (từ 200-250 trái/cây/năm) thời gian ra hoa, chu kỳ khai thác..., cơ bản giống như lùn vàng Malaysia, chỉ khác là các bộ phận trên cây từ lá, hoa, trái, đều có màu vàng cam, khi quày trái còn non có màu hồng đỏ trông rất đẹp. Phù hợp với việc phát triển ở các khu du lịch tạo mỹ quan phục vụ du lịch sinh thái.

+ Dừa Tam Quan: Là giống dừa uống nước có màu sắc đẹp, có nguồn gốc từ Tam Quan (Bình Định), thời gian ra hoa khoảng 3 năm sau khi trồng, năng suất bình quân 100 -120 trái/cây/năm, vỏ trái mỏng có màu vàng sáng, nước có vị ngọt thanh (Brix: 7 – 8%), thể tích nước 250-350ml/trái.

+ Dừa Xiêm xanh ruột hồng: Dừa Xiêm xanh ruột hồng có trái bầu tròn, màu bên ngoài vỏ giống như dừa Xiêm xanh nhưng phần vỏ dừa và một phần gáo dừa khi còn non có màu hồng phấn rất đẹp. Hoa dừa và trái dừa khi còn non cũng có cuống màu hồng, khi nảy mầm thân mầm có màu hồng đỏ đậm, nhạt dần khi mầm phát triển lớn hơn. Kích thước trái trung bình từ 1,5 - 1,8 kg, vỏ mỏng, gáo tròn. Giống dừa này cho năng suất trái từ 120 - 150 trái/cây/năm, mỗi gié mang rất nhiều hoa cái. Đây là giống dừa cho trái sớm từ 2 - 2, 5 năm sau khi trồng.

+ Dừa Sọc: Là giống dừa uống nước, kích thước trái nhỏ, thời gian ra hoa khoảng 3 năm sau khi trồng, nước ngọt (Brix: 8-9%), thể tích 250 – 300 ml/trái, vỏ trái khi còn xanh có những sọc vàng sen nâu rất đẹp, bắp hoa và cuống lá cũng có sọc tương tự. Đây là giống dừa có nguồn gen lạ, quí, hiếm cần được quan tâm bảo tồn và phát triển.

Một số giống lấy dầu (dừa cao) có tính thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên:

 + Dừa Ta: Là giống dừa phổ biến nhất, có thể dễ dàng nhận dạng trái với 3 khía rõ ràng, có 3 màu (xanh, vàng, đỏ hay còn gọi là dừa lửa). thời gian ra hoa khoảng 4,5–5 năm sau khi trồng, năng suất trung bình 60-70 trái/cây/năm, cơm dừa dày 11–13mm, khối lượng cơm dừa tươi đạt 400-500g, hàm lượng dầu cao 63-65%. Dừa Ta dùng để lấy dầu, chế biến các sản phẩm từ dừa hay dùng để uống nước.

 + Dừa Dâu: Là giống dừa phổ biến thứ hai, có dạng trái tròn, vỏ mỏng, cũng có 3 màu (xanh, vàng và đỏ). Ra hoa sớm hơn dừa Ta, khoảng 3,5–4 năm sau khi trồng, năng suất trung bình 70-80 trái/cây/năm, kích thước trái trung bình, cơm dừa dày 11-12mm, khối lượng cơm dừa tươi 300-400g, hàm lượng dầu cao 63-65%.  Đặc điểm trái tròn, năng suất cao hơn so với dừa Ta. Dừa Dâu dùng để lấy dầu, chế biến các sản phẩm từ dừa hay dùng để uống nước.

+ Dừa Sáp: còn gọi là dừa đặc ruột, dừa kem. Về hình thái bên ngoài cây và trái của dừa Sáp không khác gì so với dừa bình thường. Dừa Sáp thuộc nhóm giống dừa cao, ra hoa sau khoảng 4–4,5 năm trồng, năng suất bình quân 50-60 trái/cây/năm. Trong quần thể dừa Sáp tự nhiên có tối đa khoảng 20-25% trái sáp, những trái còn lại là trái dừa bình thường. Trái dừa sáp (đặc ruột) có cơm dừa mềm xốp, nước sền sệt như keo, có hương thơm đặc trưng, thường được sử dụng làm món tráng miệng, bánh kẹo, kem dừa sáp… Dừa sáp được trồng nhiều ở xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh và các xã lân cận. Những năm gần đây do giá trị kinh tế của dừa sáp cao nên nó được nhân giống trồng rải rác ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu đã nghiên cứu thành công quy trình nhân giống dừa Sáp bằng kỹ thuật nuôi cấy phôi, tỷ lệ trái sáp/cây đạt trên 80%.

+ Dừa Bung: Có hình dạng trái rất to, vỏ dày, có màu xanh, năng suất trung bình 30-40 trái/cây/năm, khối lượng cơm dừa tươi 600 – 700g. Do năng suất thấp nên hiện nay giống dừa này còn tồn tại rất ít.

+ Dừa Bông (dừa Ngọt): Có màu sắc và hình dạng trái bên ngoài giống như dừa Ta nhưng lúc khô vỏ trái mềm, xốp (nên còn gọi là dừa Bông). Đặc biệt, lúc non vỏ trái không chát có thể ăn được (nên nó còn có tên gọi là dừa Ngọt). Giống dừa này cũng ít được nông dân trồng vì dễ bị chuột, sóc … ăn trái non, chỉ còn tồn tại rải rác một ít cá thể trên địa bàn của tỉnh Bến Tre. 

Nhóm giống dừa lai năng suất cao:

Dừa lai là những giống dừa dùng để lấy dầu hoặc uống nước được Viện nghiên cứu Dầu và Cây có dầu nghiên cứu và sản xuất bằng phương pháp lai tạo có kiểm soát (thụ phấn nhân tạo hoặc thụ phấn trợ lực) giữa giống dừa cao (bố) và dừa lùn (mẹ). Dừa lai mang những đặc tính trung gian giữa 2 nhóm dừa nói trên. Ưu điểm nổi bật của các giống dừa lai là ra hoa sớm, năng suất trái cao, có khả năng thích ứng tốt với những điều kiện khắc nghiệt của môi trường.

Các giống dừa lai có khả năng thích nghi với điều kiện đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh duyên hải miền Trung.

+ Dừa lai PB 121: Đây là giống dừa được lai giữa giống dừa mẹ là lùn vàng Mã Lai (có nguồn gốc từ Malaysia) và giống dừa bố là cao Tây Phi (có nguồn gốc từ châu Phi). Ra hoa sớm sau khoảng 2,5–3 năm trồng, năng suất bình quân 150-200 trái/cây/năm, trái có kích thước nhỏ, cơm dừa dày 13–14mm, khối lượng cơm dừa tươi 250-300g, hàm lượng dầu cao 65-67%, có khả năng thích ứng tốt với các vùng sinh thái như: vùng ngọt, đất phù sa, vùng phèn. Trên đất phèn Long An, sau 3 năm trồng đã bắt đầu cho trái.

+ Dừa Lai JVA 1: Đây là giống dừa được lai tạo giữa giống dừa mẹ là lùn vàng Mã Lai (có nguồn gốc từ Malaysia) và giống bố là cao Bago Oshiro (có nguồn gốc từ Philippines). Ra hoa sớm sau khoảng 2,5–3 năm trồng, năng suất bình quân 120 – 150 trái/cây/năm, trái có kích thước trung bình, cơm dừa dày 12–13mm, khối lượng cơm dừa tươi 300 – 350g, hàm lượng dầu cao 65%.

+ Dừa lai JVA 2: Đây là giống dừa được lai tạo giữa giống dừa mẹ là lùn đỏ Mã Lai (có nguồn gốc từ Malaysia) và giống bố là cao Bago Oshiro (có nguồn gốc từ Philippines). Ra hoa sớm sau khoảng 2,5 – 3 năm trồng, năng suất bình quân 100 – 140 trái/cây/năm, trái có kích thước trung bình, cơm dừa dày 12 – 13 mm, khối lượng cơm dừa tươi 350 – 400 g, hàm lượng dầu cao 65%.

Với kiến thức trên bạn sẽ lựa chọn được cây giống vừa ý, chúc bạn thành công nhé!

GỎI CỦ HỦ DỪA TÔM THỊT CỦA BẾN TRE ĐƯỢC VINH DANH MÓN ĂN TIÊU BIỂU TOÀN QUỐC 09:48 29/11/2023

Đề án “Xây dựng và phát triển văn hoá ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia”

NHỮNG LỢI ÍCH MÀ BẠN NHẬN ĐƯỢC TỪ SẢN PHẨM CỦ HỦ DỪA MINH HẬU ĐẶC SẢN BẾN TRE 09:21 29/11/2023

Việc sử dụng hủ hủ dừa sấy khô Minh Hậu đặc sản Bến Tre - Thương hiệu hủ dừa uy tín hàng đầu mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng luôn là lựa chọn đúng của bạn.