Thông tin thị trường

Tây Ninh chuyển đổi cơ cấu cây trồng hướng tới chất lượng, xuất khẩu

09/07/2024 - Tỉnh Tây Ninh

Trong xu thế hội nhập thị trường thế giới, những năm qua, tỉnh Tây Ninh đã có chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi một số loại cây trồng kém hiệu quả như mía, lúa, cao su… sang trồng cây ăn quả; đồng thời phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm mô hình trang trại, gia trại theo hướng nông nghiệp sạch, công nghệ cao, hướng tới mở rộng thị trường xuất khẩu. Phóng viên TTXVN đã trao đổi với ông Võ Đức Trong, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, để làm rõ hơn về vấn đề này.

Xin ông cho biết trong thời gian qua ngành nông nghiệp của tỉnh có những giải pháp gì để khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bước đầu đạt kết quả ra sao?

Trong xu thế hội nhập hiện nay, nông nghiệp tỉnh Tây Ninh đang có cơ hội lớn về thị trường để giải quyết đầu ra cho nông sản phẩm. Tuy nhiên, khó khăn thách thức cũng không nhỏ như: việc bảo hộ nông nghiệp của các quốc gia ngày càng tăng, sản phẩm cạnh tranh khi gia nhập thị trường thế giới, tiêu chuẩn nhất là an toàn thực phẩm ngày càng khắt khe. Do vậy, để tạo ra các sản phẩm vừa có chất lượng, vừa đạt tiêu chuẩn đồng thời phải có sức cạnh tranh thì việc sản xuất nông nghiệp nông nghiệp phải ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, qui mô lớn là quá trình tất yếu . Do vậy để theo kịp xu hướng hướng thị trường, phát triển phải từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm.Có thể thấy, một số giải pháp mà tỉnh đã và đang thực hiện như sau:

  Chú thích ảnh

Ông Võ Đức Trong, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh

Về cơ chế chính sách, tỉnh cụ thể hóa và triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp gồm: Chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất; chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi hộ, chính sách sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ và truy xuất nguồn gốc; đặc biệt tỉnh có chính sách đặc thù là chính sách hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hiện đang phối hợp xây dựng và tham mưu UBND ban hành chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Kết quả đến nay đã thu hút nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp với 24 dự án mới đầu tư vào nông nghiệp trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản với tổng vốn đăng ký trên 1.652 tỷ đồng, nâng tổng dố dự án đầu tư vào nông nghiệp trên đại bàn tỉnh lên 79 dự án với tổng vốn đăng ký 6.700 tỷ đồng; một số dự án đã di vào hoạt động và có kết quả bước đầu như nhà máy chế biến rau quả Tanifood, resort bò sữa đạt chuẩn GlobalGAP,…

Tỉnh đang rà soát định hướng các vùng chuyển đổi cây trồng nhất là cây trồng có giá trị gia tăng cao, phát triển những sản phẩm đang có nhu cầu lớn trong nước và xuất khẩu ; với diện tích trên 16.700 ha, nhất là rà soát quỹ đất các công ty nông nghiệp.

Tập trung đầu tư công để phát triển hạ tầng cho các vùng chuyển đổi sản xuất, nhất là hệ thống tưới, tiêu, đê bao; đồng thời xây dựng kế hoạch đầu tư công 2021 – 2025 để cơ bản hoàn chỉnh hạ tầng về đê đều, thủy lợi phục vụ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cụ thể như các dự án "Tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ Đông", dự án “Phát triển chuỗi giá trị rau quả ứng dụng công nghệ thông minh thích ứng với khí hậu tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2026 trên địa bàn tỉnh” với tổng vốn dự kiến 1.399 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)…các dự án này sau khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn chỉnh hạ tầng chuyển đổi cơ cấu câu trồng và tạo động lực thúc đẩy đầu tư nông nghiệp và nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

Từ những nỗ lực kể trên, giai đoạn 2016-2020 tỉnh đã chuyển đổi được trên 10.000 ha lúa, cao su, mía… sang trồng cây ăn quả, cây màu khác; đồng thời mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ caonhư: Sản xuất rau, cây ăn quả theo tiêu chuẩn ViệtGAP;sản xuất rau, hoa trong nhà kính, nhà màng, trồng rau trên giá thể; ứng dụng khá rộng rãi thiết bị tưới kết hợp với cung ứng dinh dưỡng; các mô hình trồng giống hoa lan nhiệt đới, dưa lưới công nghệ cao. Giá trị sản phẩm bình quân thu được trên 1 ha đất trồng trọt dự kiến đến năm 2020 đạt 100 triệu đồng, tăng 15,7% so với năm 2016 (giá trị tăng thêm đạt 13,6 triệu đồng/ha).

Ngoài ra, nhằm đáp ứng yêu cầu minh bạch sản phẩm cho cây ăn quả, chương trìnhđã triển khai thực hiện phầm mềm truy xuất nguồn gốc điện tử KIPUS cho nông dân trồng cây ăn quả và đăng ký thông tin vùng trồng và cơ sở đóng gói trái cây tươi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh để cấp mã số xuất khẩu thị trường Trung Quốc. Hiện có 42 hộ thực hiện phần mềm KIPUS với diện tích 608 ha và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp 46 mã vùng trồng với tổng diện tích 1.975 ha, gồm: Nhãn, chuối già Nam mỹ, chôm chôm, mít, thanh long.

Về chăn nuôi, tỉnh phát triển khá mạnh theo mô hình trang trại lạnh, quy mô lớn, chăn nuôi khép kín, đảm bảo an toàn sinh học, hệ thống thiết bị tự động và bán tự động như: phân phối thức ăn, nước uống tự động; sử dụng gieo tinh nhân tạo tạo giống lai ưu thế, lai chuyển giống, giống giới tính, vaccine phòng bệnh, vi sinh trong bảo vệ môi trường để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và an toàn sinh học.

Xin ông cho biết định hướng của ngành nông nghiệp Tây Ninh trong thời gian tới?

Định hướng trong thời gian tới là tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các Quy hoạch và định hướng đã được phê duyệt như: định hướng phát triển vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; quy hoạch phát triển thủy lợi đồng thời sắp xếp một số công ty nông nghiệp, định hướng một số vùng chuyển đổi mô hình sản xuất xây dựng các vùng chuyên canh phát triển nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, chế biến.

Chú trọng tổ chức lại sản xuất theo hướng an toàn, theo chuỗi giá trị; tập trung phát triển vùng sản xuất cây ăn quả chuyên canh (mãng cầu, chuối, xoài, bưởi, thơm…) hướng đến xuất khẩu hoặc làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Riêng đối với các cây trồng truyền thống ( mía, mì, lúa…) tiếp tục nâng cao giá trị gia tăng theo hướng đẩy mạnh thâm canh, cơ giới hóa đồng bộ, tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản xuất, đảm bảo nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, phát triển một phần theo hướng hữu cơ để gia tăng giá trị sản phẩm.

Về chăn nuôi, tiếp tục đẩy mạnh phương thức chăn nuôi theo hướng trang trại thay dần hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán kiểu truyền thống gắn với ứng dụng chuồng trại khép kín, trại lạnh trang thiết bị bán tự động, tự động, chăn nuôi công nghiệp, bảo đảm về môi trường, an toàn dịch bệnh.

https_baotintuc.vn

Đậu phộng
Sản lượng: 15000
Mùa vụ: 6 tháng đầu năm 2024
Tỉnh Tây Ninh