Thông tin thị trường

Các Tổng Lãnh sự nói gì về nông sản Việt? (Phần II)

13/05/2024 - Tỉnh Bến Tre

ĐỐI THOẠI, TIẾP CẬN CÂN BẰNG VÀ THỰC TẾ

Còn nhiều việc phải làm nếu Việt Nam muốn trở thành điểm đến hàng đầu của FDI Hoa Kỳ

NÔNG THÔN VIỆT: Mỹ đang đứng thứ 11 trong tổng số 142 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn FDI ước tính hơn 11 tỉ đô-la Mỹ nhưng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chỉ có 149 triệu đô-la Mỹ (tương đương khoảng 1,35%). Chúng tôi có tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông sản, nhưng con số trên cho thấy các nhà đầu tư Mỹ chưa chú trọng hay là có vướng mắc gì trong việc họ quyết định làm ăn tại Việt Nam, khi chúng tôi luôn mở cửa chào đón? Theo ông Sprecher, chỉ số này liệu có được cải thiện không, và Việt Nam cần gì để thu hút họ?

Ông ANDREW ANDERSON – SPRECHER: Tôi kỳ vọng đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng. Ngành nông nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển với việc áp dụng công nghệ mới, thiết bị và phương pháp hiện đại. Các nguyên tắc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực nông nghiệp cũng tương tự các lĩnh vực khác. Các nhà đầu tư tìm kiếm sự minh bạch, khả năng dự đoán, các quyết sách kịp thời của Chính phủ, bảo hộ sở hữu trí tuệ, khung pháp lý rõ ràng và công bằng. Việt Nam đã đạt được tiến bộ rõ ràng trên các phương diện này, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm nếu Việt Nam muốn trở thành điểm đến hàng đầu của FDI.

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đang tích cực hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam để giúp nông dân Việt Nam trồng trọt lương thực bền vững hơn và mang lại lợi nhuận cao hơn. Vào tháng 4 năm 2024, USDA đã triển khai sáng kiến Sử dụng phân bón đúng (Fertilize Right) tại Việt Nam nhằm giúp nông dân Việt Nam sử dụng phân bón hiệu quả và khoa học hơn. Điều này sẽ giúp nông dân trồng lúa giảm chi phí, duy trì sản xuất và giảm ô nhiễm. USDA cũng hợp tác với Đại học California Davis để phát triển ứng dụng điện thoại di động giúp nông dân Việt Nam tối ưu hóa khẩu phần thức ăn để vừa giảm chi phí thức ăn vừa giảm phát thải khí nhà kính từ chăn nuôi...

Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM - Susan Burns cùng Tùy viên Nông nghiệp cấp cao Andrew Anderson-Sprecher trong chuyến đi thực tế tại Đồng bằng sông Cửu Long.

NÔNG THÔN VIỆT: Mỹ là một thị trường lớn với hơn 330 triệu dân, ở đó còn có 2,18 triệu người Mỹ gốc Việt sinh sống, quả là hấp dẫn với những nhà xuất khẩu nông sản Việt Nam. Xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Hoa Kỳ trong năm 2023 đạt 11,1 tỷ USD, chiếm 21% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam. Tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam về xuất khẩu nông sản (chiếm 20,8% tổng sản lượng xuất khẩu nông sản). Sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện, liệu ngành nông nghiệp hai nước có thể kì vọng vào những cơ hội mở rộng thị trường không?

Ông ANDREW ANDERSON - SPRECHER: Việc nâng cấp quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam lên Đối tác Chiến lược Toàn diện tạo nền tảng vững chắc để hai nước chúng ta tiếp tục mở rộng thương mại và hợp tác, kể cả trong lĩnh vực nông nghiệp. Hoa Kỳ tiếp tục mở rộng khả năng tiếp cận cho nhiều loại nông sản của Việt Nam, gần đây nhất là trái bưởi. Đồng thời, Việt Nam cũng cấp quyền tiếp cận thị trường cho trái bưởi chùm (grapefruit) của Hoa Kỳ. Việt Nam hiện đang xem xét yêu cầu của phía Hoa Kỳ về việc mở cửa thị trường cho các loại trái cây hạt cứng như đào, xuân đào. Chúng tôi mong muốn có thể chia sẻ những loại trái cây thơm ngon này với người tiêu dùng Việt Nam trong thời gian tới.

Sự hợp tác này đã mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam

NÔNG THÔN VIỆT: Chính phủ Anh đã và đang hỗ trợ Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học thông qua 7 dự án hỗ trợ phát triển chính thức, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường. Sự giúp đỡ của Vương Quốc Anh giúp chúng tôi thêm công cụ, kinh nghiệm lẫn tài chính để phát triển bền vững nền nông nghiệp theo xu hướng thế giới. Từ kinh nghiệm phát triển nền nông nghiệp xanh của nước Anh, bà có chia sẻ gì cho Việt Nam? 

BÀ EMILY HAMBLIN: Quá trình chuyển đổi tích cực về thiên nhiên, chống chịu khí hậu và cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính là trọng tâm của mối quan hệ Anh - Việt Nam. Chúng tôi đang hỗ trợ nỗ lực của Việt Nam trong những vấn đề này thông qua nhiều kênh khác nhau. Sự hợp tác của chúng ta trải rộng trên các vấn đề bao gồm rừng, nông nghiệp và bảo vệ đa dạng sinh học, nền kinh tế xanh, thị trường carbon rừng, ô nhiễm nhựa và buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. 

Chúng tôi rất vui mừng vì sự hợp tác này đã mang lại lợi ích cho Việt Nam. Ví dụ, tôi rất vui khi thấy rằng nguồn tài trợ của Vương quốc Anh chiếm 21% trong tổng trị giá 51,5 triệu USD khoản thanh toán dựa trên kết quả mà Việt Nam mới nhận được từ Quỹ Đối tác Carbon Lâm nghiệp của Ngân hàng Thế giới để giảm phát thải trong ngành lâm nghiệp. Ngoài ra, chúng tôi vẫn luôn ủng hộ tích cực cho JETP và mong muốn tăng cường hợp tác về bảo vệ đa dạng sinh học và nông nghiệp bền vững thông qua Quỹ Cảnh quan Đa dạng Sinh học mới và các Chương trình Hợp tác Thúc đẩy Chuyển đổi vì Khí hậu của Vương quốc Anh (UKPACT).

Doanh nhân Việt Nam và Ấn Độ còn ít tương tác qua lại

NÔNG THÔN VIỆT: Đầu tháng 8/2023, trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 5 Tiểu ban Thương mại hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ, đại diện Bộ Công thương Việt Nam đã đề nghị Ấn Độ cho trái cây đạt tiêu chuẩn của Việt Nam mở đường bay thẳng sang Ấn Độ. Việc này được hiểu rằng, chúng tôi còn tiềm năng lớn cho các sản phẩm nông sản chất lượng cao, an toàn, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng Ấn, nhưng để vào thị trường Ấn thì các DN Việt gặp nhiều rào cản, khi thực tế chỉ mới thanh long là trái cây tươi được phép nhập khẩu vào Ấn Độ.

Cửa vào quá hẹp, sẽ thiệt thòi cho hai bên, quý vị nghĩ sao? Liệu có tín hiệu vui  nào sẽ sớm đến không?

Ông MADAN MOHAN SETHI: Tại Kỳ họp thứ 5 Tiểu ban Thương mại hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ, chính phủ hai nước đã thảo luận về việc Ấn Độ tạo điều kiện để các sản phẩm nông sản của Việt Nam được xuất khẩu vào Ấn Độ. Hiện tại mặt hàng thanh long đã được gia nhập vào thị trường Ấn Độ, tuy nhiên như thông tin mà tôi biết được từ một số công ty, khi quả thanh long được nhập đến Ấn Độ thì bị mất đi độ cứng giòn, quả bị mềm và không mọng nước. Vấn đề có thể do quá trình đóng gói không chắc chắn hoặc mặt hàng bị giữ lại ở hải quan trong khoảng thời gian khá lâu và chúng ta phải suy nghĩ kỹ về giải pháp cho vấn đề này. Ngoài ra Ấn Độ là một thị trường lớn nhưng lại rất nhạy cảm, để một số mặt hàng được tiêu thụ chúng ta phải xem xét kỹ càng về phần giá cả.

NÔNG THÔN VIỆT: Hiện vị trí của quế, đồ gia vị của Việt Nam đang chiếm vị trí độc tôn tại thị trường nhập khẩu Ấn Độ, trong đó quế chiếm khoảng 80%(35.000/38.000 tấn). Bên cạnh đó cà phê hòa tan của Việt Nam cũng được người tiêu dùng Ấn ưa thích.

Dân số 1,4 tỷ người, nhu cầu đa dạng, nhưng có thể thấy thông tin thị trường Ấn tại Việt Nam ít, lại thêm việc áp dụng chính sách đối với hàng nhập khẩu đôi khi rất bất ngờ, không báo trước như: hạn chế nhập khẩu hương nhang; giá nhập khẩu tối thiểu đối với mặt hàng tiêu… Để hiểu hệ sinh thái từ thị trường quý vị với đặc điểm 80% ăn chay, ưa chuộng các sản phẩm nông sản; thị trường tiêu dùng vô cùng tiềm năng… hẳn phải cần sự chia sẻ của quý vị.

Ông MADAN MOHAN SETHI: Tôi được biết Ấn Độ đang nhập khẩu rất nhiều mặt hàng gia vị từ Việt Nam, đặc biệt là quế. Ấn Độ cũng nhập một số mặt hàng cà phê của các bạn mặc dù bản thân Ấn Độ cũng là thị trường sản xuất cà phê lớn nhất thế giới. Về mặt chính sách, nhà nước Ấn cũng có những chính sách riêng để bảo vệ nền kinh tế nội địa, bảo vệ các mặt hàng nông sản và quyền lợi của người nông dân. 

Tuy vậy, chúng ta hoàn toàn có khả năng để tạo sự thuận lợi cho các mặt hàng Việt Nam gia nhập thị trường Ấn Độ. Nhưng hạn chế theo tôi nhận thấy là giữa các doanh nhân Việt Nam và Ấn Độ còn ít tương tác qua lại. Do đó, về mặt cá nhân tôi cũng mong muốn chính phủ Việt Nam có thể tạo điều kiện, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt đến tham quan, khảo sát, tìm hiểu thị trường Ấn để hướng đến kết nối hợp tác hiệu quả hơn trong tương lai gần. Ngoài ra việc tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại giữa hai nước cũng sẽ là một cách hay giúp doanh nghiệp chúng ta dễ dàng tiếp cận nhau hơn. 

Ông Madan Mohan Sethi - Tổng Lãnh sự Ấn Độ thăm một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam tại Bạc Liêu.

Cần tập trung vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác đối tác

NÔNG THÔN VIỆT: Quý vị vốn là những cường quốc về công nghệ cao nông nghiệp, nhưng Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 nước đi đầu trong việc này tại Việt Nam. Vậy nên hiểu vấn đề này như thế nào, và làm thế nào để thu hút các nhà đầu tư tại đất nước quý vị vào lĩnh vực này, và đây cũng là cơ hội cho Việt Nam học hỏi việc áp dụng và làm chủ những công nghệ mới trong lĩnh vực nông nghiệp? 

Ông MADAN MOHAN SETHI: Trên thực tế, Việt Nam chưa thu hút được nguồn đầu tư lớn từ các nhà đầu tư Ấn Độ trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao là vì nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất, các doanh nghiệp Ấn Độ vẫn chưa có nhiều thông tin về các dự án kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này, do đó tôi mong Việt Nam chia sẻ thông tin nhiều hơn về tiềm năng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam tới các doanh nghiệp Ấn Độ. Thứ hai là do vẫn chưa có nhiều tương tác giữa các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu nông sản của Việt Nam với các đối tác Ấn Độ. Ấn Độ có lợi thế về máy móc nông nghiệp với giá thành rẻ và kinh nghiệm sản xuất thực phẩm cho 1,4 tỷ người Ấn Độ với chất lượng tương tự với các quốc gia khác. Việt Nam nên tập trung mời gọi các doanh nghiệp Ấn Độ trong lĩnh vực máy móc nông nghiệp, thực phẩm chế biến tới thăm và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam.   

Bà EMILY HAMBLIN: Mặc dù Vương quốc Anh tự hào có chuyên môn cao trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp, cần ghi nhận rằng sự hiện diện của Vương quốc Anh trong lĩnh vực Agri - tech vẫn còn khiêm tốn ở Việt Nam, mà điều cần thiết là đòi hỏi một cách tiếp cận tập trung vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác đối tác. Nó sẽ bao gồm việc tạo điều kiện chuyển giao kiến thức, liên doanh và hợp tác nghiên cứu để tận dụng tiềm năng nông nghiệp của Việt Nam.

Trên thực tế, điều này có thể đạt được bằng cách thúc đẩy đối thoại giữa các bên liên quan ở Anh và Việt Nam, cùng với việc giới thiệu các nghiên cứu điển hình thành công và hợp tác với Việt Nam để hợp lý hóa các quy trình pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập thị trường. Hơn nữa, tận dụng các thỏa thuận thương mại tự do hiện có như Hiệp định Thương mại Tự do Anh - Việt Nam (UKVFTA) và việc Anh sắp gia nhập CPTPP, có thể tạo ra một khuôn khổ thuận lợi cho hợp tác đầu tư và thương mại trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp giữa hai quốc gia. Nhìn chung, với cách tiếp cận cân bằng và thực tế, cả hai nước có thể cùng có lợi từ việc tận dụng thế mạnh tương ứng của chúng ta về công nghệ nông nghiệp trong khuôn khổ các thỏa thuận này. Vương quốc Anh cam kết hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này và chúng tôi đang nỗ lực hết mình.

Niềm tin có được từ tuân thủ tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế

NÔNG THÔN VIỆT: Quý vị có lời khuyên nào cho nông dân, những nhà xuất khẩu lẫn Chính phủ Việt Nam để mở rộng thị trường, gia tăng thị phần và niềm tin của người tiêu dùng tại đất nước quý vị không?

Ông ANDREW ANDERSON – SPRECHER: Hàng nông sản xuất khẩu của Hoa Kỳ phải đáp ứng các tiêu chuẩn tương tự như các sản phẩm bán ở trong nước. Chẳng hạn, tất cả thịt được sản xuất tại Hoa Kỳ phải vượt qua sự kiểm tra của của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA). Ngoài ra, Hoa Kỳ còn duy trì một số chương trình chứng nhận chất lượng để giúp người tiêu dùng đưa ra những lựa chọn sáng suốt. Chứng nhận USDA Organic và con dấu USDA Prime được người tiêu dùng trên toàn thế giới đánh giá cao.

Chính phủ Việt Nam có thể nâng cao niềm tin của người tiêu dùng tại Việt Nam vào các thị trường xuất khẩu như Hoa Kỳ bằng cách đảm bảo áp dụng các quy định an toàn thực phẩm minh bạch và dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế tốt nhất. Các tiêu chuẩn này cũng phải được thực hiện nhất quán và công bằng để có hiệu quả. Ngoài ra, nông dân và nhà xuất khẩu có thể cải thiện niềm tin bằng cách đảm bảo sản phẩm của họ đáp ứng các tiêu chuẩn này và được sản xuất bằng các biện pháp thực hành bền vững và thân thiện với môi trường. Việc áp dụng công nghệ và phương pháp trồng trọt hiện đại cũng giúp nâng cao chất lượng và tính bền vững của sản phẩm, cũng như niềm tin của người tiêu dùng.

Bà EMILY HAMBLIN: Với Việt Nam, như đã nói, Vương quốc Anh có thể giảm tần suất kiểm tra biên giới và đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu. Đây là cơ hội mới thú vị mà các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thể tận dụng. 

Ông MADAN MOHAN SETHI: Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ rất sẵn lòng hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Ấn Độ vì Ấn Độ có chính sách FDI cởi mở cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Chúng tôi cũng biết rằng nông nghiệp và thủy sản là các lĩnh vực có nhiều thế mạnh của Việt Nam. Đây sẽ là hợp tác đôi bên cùng có lợi nếu các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm, thủy sản tại Ấn Độ.

Hạnh phúc sống tại Việt Nam là được ăn mít, bánh mì, cơm tấm…

Nông Thôn Việt: Câu hỏi riêng tư: Quý vị có thường xuyên thưởng thức nông sản Việt Nam không?

Ông ANDREW ANDERSON – SPRECHER: Một trong những điều hạnh phúc nhất khi sống tại Việt Nam là cơ hội được thử các món ăn ngon ở đây. Tôi đặc biệt yêu thích các loại trái cây đa dạng của Việt Nam (kể cả sầu riêng). Một trong những loại trái cây Việt Nam mà tôi thích nhất là trái mít, với hương vị và chất lượng tuyệt vời. 

Ông MADAN MOHAN SETHI: Tôi thường xuyên thưởng thức các sản phẩm nông sản của Việt Nam tại nhà hay khi đi công tác. Tôi thấy thực phẩm của Việt Nam giàu dinh dưỡng và thường có vị ngọt. “Bật mí” là tôi rất thích món mì xào rau củ, và tất nhiên rồi, các món ăn chay, đặc biệt là bánh mì và phở chay…

Bà EMILY HAMLIN: Tôi đang chuẩn bị kết thúc 4 năm nhiệm kỳ ở Việt Nam và sẽ phải bắt đầu thích nghi với cuộc sống không có đồ ăn Việt hàng ngày! Việt Nam có một nền văn hóa ẩm thực phong phú, đáng tự hào và luôn khiến tôi thích thú khi phong cách các món ăn có thể khác nhau rõ rệt giữa các tỉnh thành, từ nước dùng đậm đà ấm áp của miền Bắc cho đến các món ăn từ các loại thảo mộc rất thơm của miền Nam. Sau 4 năm ở Việt Nam, tôi đã được thưởng thức rất nhiều món ăn ngon, và chắc chắn tôi sẽ nhớ nhiều món như là cơm tấm, mỳ quảng và chả cá - cũng như nước mía và trái cây tươi của Việt Nam. 

Nông Thôn Việt: Vâng, cảm ơn quý vị vì buổi trò chuyện thú vị này! 

Gia vị
Sản lượng: 38000
Mùa vụ: Năm
Tỉnh Bến Tre