Thông tin thị trường

Giữ vùng đặc sản chôm chôm Long Khánh

18/06/2024 - Tỉnh Đồng Nai

Đồng Nai có diện tích trồng chôm chôm thuộc tốp đầu cả nước, trong đó thành phố Long Khánh có diện tích chôm chôm lớn nhất tỉnh. Trái chôm chôm Long Khánh được biết tiếng trên thị trường và là một trong số ít loại đặc sản trái cây được cấp chỉ dẫn địa lý.

Vườn chôm chôm tại xã Bình Lộc (thành phố Long Khánh) là điểm đến hấp dẫn của du khách. Ảnh: B.Nguyên

Vườn chôm chôm tại xã Bình Lộc (thành phố Long Khánh) là điểm đến hấp dẫn của du khách. Ảnh: B.Nguyên

Tuy nhiên, thời gian qua, diện tích cây trồng này giảm nhiều về diện tích do ngày càng kém hiệu quả so với các loại cây ăn trái khác. Nhưng những vườn chôm chôm lại là điểm đến ấn tượng để phát triển du lịch vườn. Đây cũng là giải pháp nhiều nhà vườn ở xã Bình Lộc và thành phố Long Khánh khai thác, góp phần tăng giá trị kinh tế cũng như giữ cây đặc sản này.

* Lo mất dần giống đặc sản bản địa

Những giống chôm chôm địa phương của Đồng Nai là đặc sản nổi tiếng và đã được cấp chỉ dẫn địa lý là chôm chôm giống Java và chôm chôm nhãn trồng ở các xã, phường: Bình Lộc, Bảo Quang, Xuân Tân, Bảo Vinh (thành phố Long Khánh); Xuân Định, Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc); Xuân Thiện, Quang Trung, Gia Kiệm, Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất); Sông Nhạn, Xuân Quế, Bảo Bình và Xuân Bảo (huyện Cẩm Mỹ).

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, chôm chôm nhãn Long Khánh có vỏ màu xanh, vàng cam và vàng đỏ, mùi thơm, vị giòn và ngọt. Còn chôm chôm Java Long Khánh có vỏ màu đỏ và đỏ đậm, râu dài, dày và đuôi có đốm xanh, vị ngọt. Khu vực địa lý có các điều kiện tự nhiên đặc thù như địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng là những yếu tố tạo nên chất lượng của chôm chôm Long Khánh, qua đó khẳng định chất lượng đặc thù của chôm chôm Long Khánh so với các vùng khác.

Tuy nhiên, hiện diện tích 2 giống chôm chôm này đã giảm rất nhiều so với trước.

Ông Đỗ Vĩnh Thụy, nông dân sản xuất giỏi tại xã Xuân Định từng trồng vài hécta chôm chôm nhãn và Java, cho biết: “Tôi đã chặt bỏ diện tích chôm chôm để chuyển sang trồng sầu riêng do cây trồng này kém hiệu quả hơn nhiều so với cây trồng mới. Khi rộ vụ, giá chôm chôm thường giảm sâu, khiến lợi nhuận của người trồng chôm chôm rơi vào cảnh bấp bênh. Trong đó có nguyên nhân thu hoạch chôm chôm tốn chi phí lao động hơn nhiều so với nhiều loại cây trồng khác”.

Đến nay, trên địa bàn Đồng Nai có tổng diện tích hơn 9 ngàn hécta chôm chôm với tổng sản lượng hơn 152 ngàn tấn. Tuy diện tích cây trồng này có giảm nhiều so với trước nhưng Đồng Nai vẫn thuộc tốp đầu cả nước về diện tích trồng chôm chôm.
Chôm chôm Long Khánh từng nổi tiếng xa gần về chất lượng, ngon. Thời hoàng kim, chỉ tính riêng xã Bình Lộc đã có trên 1 ngàn hécta chôm chôm. Nhưng hiện nay, địa phương này chỉ còn khoảng 400 hécta chôm chôm, chủ yếu trồng chôm chôm giống Thái.
Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Bình Lộc Phùng Thanh Tâm, chôm chôm nhãn và chôm chôm Java là đặc sản lâu đời của vùng đất Long Khánh. Trái chôm chôm Java từng xuất khẩu đi Pháp và có khách hàng đặt vấn đề bao tiêu loại trái cây này xuất khẩu đi những thị trường khó tính với sản lượng lớn, nhưng địa phương không đáp ứng được yêu cầu có vùng chuyên canh chỉ trồng thuần giống chôm chôm này. Theo đó, đầu ra của loại trái cây này khá bấp bênh, hiệu quả kinh tế thu về không bằng một số loại cây trồng mới, khiến nông dân trồng chôm chôm không còn mặn mà với cây trồng này.
* Gắn với khai thác du lịch
Để giữ lại giống đặc sản chôm chôm của địa phương, nhiều nhà vườn ở xã Bình Lộc tham gia mô hình du lịch vườn. Trong đó, vườn chôm chôm trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách.
Bà Nòng Quay Phóng, chủ vườn chôm chôm tại ấp Cây Da, xã Bình Lộc, chia sẻ gia đình bà có 0,7 hécta chôm chôm. Vài năm trở lại đây, gia đình bà liên kết với một cơ sở chuyên tổ chức du lịch vườn, trở thành điểm tham quan của du khách. Nhờ đó, bà không còn lo về đầu ra cho loại trái cây này, lợi nhuận thu được từ vườn chôm chôm cũng tăng hơn nhiều so với trước.
'Nguồn: baodongnai.com.vn"

Chôm chôm
Sản lượng: 164
Mùa vụ: 2024
Tỉnh Đồng Nai