Thông tin thị trường

SÓC TRĂNG: CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DÀNH CHO SẢN PHẨM OCOP

14/08/2024 - Tỉnh Sóc Trăng

Với mục tiêu trên, qua một năm triển khai Đề án OCOP, tỉnh Sóc Trăng đã có 75 sản phẩm đặc trưng của các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đạt chứng nhận 3, 4 sao OCOP cấp tỉnh. Sản phẩm đạt chứng nhận các sao có bước tiến về chất lượng, đa dạng mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác truy xuất nguồn gốc sản phẩm…

Đề án OCOP

Để đồng hành cùng hộ sản xuất, cơ sở, hợp tác xã, kể cả doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm đạt chứng nhận các sao OCOP, Đề án OCOP đã xây dựng các chính sách dành để hỗ trợ cho các thành phần trên chủ yếu dựa vào nguồn vốn lồng ghép, tích hợp từ các chương trình, dự án, đề án của Trung ương và địa phương.

Ngoài ra, nguồn vốn từ ngân sách tỉnh Sóc Trăng được bố trí cho Chương trình OCOP tỉnh để thực thi các chính sách hỗ trợ đặc thù của tỉnh. Đối với các chính sách lồng ghép, tích hợp và xây dựng vùng sản xuất tập trung sẽ áp dụng các chính sách hỗ trợ tín dụng căn cứ theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, ngày 17-4-2018 của Chính phủ về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, ngày 9-6-2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 116/2018/NĐ-CP, ngày 7-9-2018 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, ngày 9-6-2015 của Chính phủ; Nghị định số 02/2017/NĐ-CP, ngày 9-1-2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; Quyết định số 1722/QĐ-TTg, ngày 2-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020…

Còn với chính sách hỗ trợ về khoa học và công nghệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ xây dựng và phát triển chính sách khoa học, công nghệ đối với sản phẩm OCOP theo hướng nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu triển khai, xây dựng các tiêu chuẩn hóa sản phẩm. Đồng thời, dành một phần ngân sách khoa học, công nghệ hàng năm cho hoàn thiện nâng cấp sản phẩm, xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm các sản phẩm OCOP cũng như hỗ trợ việc đổi mới dây chuyền, ứng dụng thiết bị hiện đại vào sản xuất các sản phẩm OCOP, phát triển, đăng ký, xác lập, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm các sản phẩm OCOP…

Sản phẩm tôm khô một gió của HTX Thủy sản Hưng Phú (Cù Lao Dung) được nhiều khách hàng biết đến hơn sau khi đạt chứng nhận OCOP. Ảnh: BST.

Bên cạnh đó, Đề án OCOP còn thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm theo Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg, ngày 9-1-2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; chính sách xúc tiến thương mại và khuyến công… Riêng với chính sách hỗ trợ đặc thù của tỉnh bao gồm các nội dung trọng tâm là cải tiến quy trình sản xuất, phát triển sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm, tổ chức giới thiệu sản phẩm, bán hàng, xúc tiến thương mại với hỗ trợ tín dụng các chủ thể OCOP có kế hoạch, phương án, dự án sản xuất được cấp có thẩm quyền phê duyệt, được hỗ trợ lãi suất vay vốn từ tổ chức tín dụng trong quá trình thực hiện đầu tư, căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, các mức hỗ trợ cụ thể sẽ được tỉnh ban hành.

Ông Lư Đồng - chủ cơ sở Hùng Xuân, ấp Phương An 1, xã Hưng Phú (Mỹ Tú) cho biết: “Cơ sở chuyên sản xuất đường cát, đường mía, mật đường, nước màu, đặc biệt là đường phèn. Thường ngày, giờ làm việc bắt đầu từ 7 giờ sáng cho đến 17 giờ chiều, chủ yếu bà con lao động nông thôn, lao động được trả công theo sản phẩm. Trung bình mỗi ngày, cơ sở sản xuất trên 700kg đường phèn. Khi sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, số lượng sản phẩm xuất bán ra thị trường tăng cao vì được tỉnh hỗ trợ tem OCOP dán lên sản phẩm, kèm với đó cơ sở được hỗ trợ máy ép miệng túi và máy đóng date, góp phần giảm công lao động, tăng lợi nhuận, tạo hình thức cho túi đựng hoàn chỉnh hơn, giúp sản phẩm tăng tính cạnh tranh trên thị trường, thu hút người tiêu dùng…”.

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Hưng Phú, xã An Thạnh 3 (Cù Lao Dung) Trần Quang Cần chia sẻ: “HTX có diện tích nuôi tôm thương phẩm hơn 80ha theo quy trình VietGAP. Ngoài nuôi tôm, HTX còn làm thêm các dịch vụ về con giống, thức ăn và vật tư thủy sản. Đồng thời, từ chính nguồn tôm nguyên liệu sẵn có, HTX đã tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng với sản phẩm tôm khô một gió, được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Đặc biệt, sau khi đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm được quảng bá rộng rãi tại các cuộc xúc tiến thương mại nên thu hút lượng khách hàng ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, HTX được tỉnh hỗ trợ hệ thống điện năng lượng mặt trời, góp phần tạo ra nguồn điện trong quá trình sản xuất tôm khô một gió tốt hơn, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận…”.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Trần Hoàng Dũng thông tin: “Để hỗ trợ cho chủ thể OCOP, Ban Chỉ đạo Chương trình OCOP thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về khởi nghiệp, quản trị kinh doanh và xây dựng hồ sơ OCOP; tổ chức các cuộc hội nghị liên kết, tiêu thụ sản phẩm OCOP; trưng bày bán hàng tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ tem cho tất cả các sản phẩm đạt chứng nhận các sao OCOP cấp tỉnh cũng như hỗ trợ máy móc, trang thiết bị phù hợp cho chủ thể OCOP trong quá trình sản xuất tạo ra sản phẩm OCOP…”.

Nguồn: read://http_ocop.gov.vn/

Khoai lang
Sản lượng: 10000
Mùa vụ: 6 tháng đầu năm 2024
Tỉnh Sóc Trăng