Thông tin thị trường

Tình hình kinh tế tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2024

02/07/2024 - Tỉnh Bình Phước

Tình hình kinh tế  tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2024

1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý II/2024 ước tính tăng 8,21% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,40%, đóng góp 1,42 điểm % vào mức tăng GRDP quý II; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 14,50%, đóng góp 4,62 điểm %; Khu vực dịch vụ tăng 6,22%, đóng góp 2,01 điểm %; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,60%. đóng góp 0,16 điểm %.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 7,76% so với cùng kỳ, tăng trưởng kinh tế tỉnh 6 tháng đầu năm đứng thứ 2 vùng Đông Nam bộ và đứng thứ 18 so với cả nước, mức tăng trưởng trên với xu hướng duy trì đà tăng trưởng qua các quý là rất quan trọng và đáng ghi nhận.

tang truong kt
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng năm 2024


Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2024 tăng 3,02% so với cùng kỳ, đóng góp 0,90 điểm % vào mức tăng trưởng GRDP. Hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản những tháng đầu năm 2024 diễn ra trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài đã tác động không nhỏ đến sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, làm giảm năng suất, sản lượng của các loại cây trồng nói chung và cây hồ tiêu, cây điều chủ lực của tỉnh Bình Phước nói riêng, ước tính năng suất cây điều mùa vụ 2024 đạt 10,50 tạ/ha (-2,89 tạ/ha), sản lượng (-21,58%) so với cùng kỳ và cây tiêu đạt 18,46 tạ/ha (-0,71 tạ/ha), sản lượng (-3,72%) so với cùng kỳ năm 2023. Lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm không ảnh hưởng bởi dịch bệnh, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng; sản lượng thịt lợn hơi (+17,7%) so với cùng kỳ, tương ứng sản lượng thịt gà (+11,6%) (trong đó gà Công nghiệp +19,3%). Tuy nhiên, với mức tăng trưởng thấp đã ảnh hưởng đến mức tăng chung của toàn nền kinh tế.

Khu vực công nghiệp và xây dựng 6 tháng đầu năm 2024 tăng 13,93% so với cùng kỳ, đóng góp 4,53 điểm %: Khu vực này đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tỷ trọng của khu vực 2 luôn duy trì ở mức trên 30% trong tổng cơ cấu GRDP, là một trong những động lực chính cho tăng trưởng, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã tìm kiếm được đơn hàng mới và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp khai thác khoáng (+12,19%), Công nghiệp chế biến chế tạo (+15,0%), Công nghiệp sản xuất và phân phối điện (+11,94%), Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải (+7,92%) và Xây dựng (+12,30%). 

Hoạt động xây dựng: Lĩnh vực này chuyển biến khá rõ rệt, trong khi quý I tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm chỉ tăng 11,27% thì quý II tăng lên 13,2% so với cùng kỳ từ đó làm cho lĩnh vực này 6 tháng đầu năm tăng 12,30% đóng góp 0,66 điểm phần trăm vào mức tăng chung của nền kinh tế, do nhiều công trình xây dựng cơ bản đang đẩy nhanh tiến độ, các công trình xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường giao thông nông thôn, nâng cấp đô thị đang triển khai quyết liệt và đưa vào sử dụng trong năm 2024. 

Khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,36% so với cùng kỳ, đóng góp 2,16 điểm % vào mức tăng chung của GRDP, trong đó một số ngành tăng trưởng khá, đóng góp nhiều vào mức tăng trưởng GRDP 6 tháng như: Các hoạt động bán lẻ và dịch vụ, hoạt động tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại phục hồi đà tăng trưởng nhất là trong quý I/2024, góp phần nâng cao giá trị thương mại và lưu chuyển hàng hóa, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu mua sắm của người dân, đặc biệt là ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (+10,25%) so cùng kỳ; dịch vụ lưu trú và ăn uống (+2,46%); vận tải kho bãi (+1,37%); hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (+0,44%); vui chơi và giải trí (+0,57%)… Khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 33,56% trong GRDP. Tuy nhiên với mức tăng trưởng 6,36% đã ảnh hưởng đến mức tăng chung của toàn nền kinh tế tỉnh.

Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 4,76% (quý I tăng 4,92%, quý II tăng 4,60%) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 0,18 điểm % mức tăng GRDP chung. 

Quy mô nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm theo giá hiện hành ước đạt 51.689,89 tỷ đồng, tăng 60.31,41 tỷ đồng (+13,21%) so với năm 2023. Trong đó khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt 11.778,16 tỷ đồng; khu vực sản xuất công nghiệp và xây dựng đạt 21.776,63 tỷ đồng; khu vực dịch vụ đạt 16.339,63 tỷ đồng; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 1.798,48 tỷ đồng.

Cơ cấu GRDP 6 tháng đầu năm 2024 theo giá hiện hành: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 22,79%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 42,12% (trong đó công nghiệp chiếm 37,41%) và khu vực dịch vụ chiếm 31,61%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 3,48% (tương ứng năm 2023 là 23,07%; 40,07%; 33,20 và 3,66%). 

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước diễn ra trong điều kiện nắng nóng kéo dài đã làm giảm năng suất, sản lượng của các loại cây trồng so với cùng kỳ năm trước. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển, dịch bệnh được kiểm soát, giá thịt lợn hơi có xu hướng tăng trong quý II góp phần giảm bớt áp lực về chi phí, tạo động lực các hộ chăn nuôi mở rộng đàn. Hoạt động trồng rừng, bảo vệ và phòng chống cháy rừng được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện.

a. Trồng trọt 

Tính đến ngày 15/6/2024, tình hình sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh ước gieo trồng được 15.805 ha, giảm 2,01% (-325 ha) so cùng kỳ. Trong đó, cây lúa đạt 6.390 ha, tăng 0,71% (+45 ha); cây bắp ước đạt 1.297 ha, tăng 0,39% (+5 ha); khoai lang 57 ha, tăng 58,62% (+34 ha); khoai mỳ 4.169 ha, giảm 3,16% (-136 ha); cây mía 85 ha, giảm 3,41% (-3 ha); rau các loại 1.882 ha, giảm 14,14% (-310 ha); đậu các loại 45 ha, giảm 10% (-5 ha) so cùng kỳ năm trước.

Sơ bộ vụ Đông xuân 2023-2024 toàn tỉnh gieo trồng được 5.625 ha, giảm 0,53% (-30 ha) so với chính thức vụ Đông xuân năm 2022-2023. Trong đó: Cây lúa gieo trồng được 2.894 ha, tăng 2,60% (+73 ha), năng suất ước đạt 39,72 tạ/ha, giảm 3,27% (-1,34 tạ/ha), sản lượng ước đạt 11.497 tấn, giảm 0,76% (-88 tấn); Cây ngô gieo trồng được 443 ha, tăng 38,44% (+123 ha), năng suất ước đạt 44,60 tạ/ha, giảm 0,04% (-0,03 tạ/ha), sản lượng ước đạt 1.976 tấn, tăng 38,38% (+548 tấn). Diện tích cây lúa và cây ngô tăng do giá hai loại cây này tăng người dân chú trọng đầu tư thâm canh; năng suất lúa, ngô giảm do nắng hạn kéo dài; sản lượng ngô tăng do diện tích tăng; Khoai lang gieo trồng được 57 ha, tăng 2,47 lần (+35 ha), năng suất ước đạt 50,88 tạ/ha, giảm 8.58% (-4,77 tạ/ha), sản lượng ước đạt 290 tấn, tăng 2,26 lần (+162 tấn); Rau các loại 1.125 ha, giảm 12,21% (-156 ha), năng suất ước đạt 79,10 tạ/ha, giảm 5,25% (-4,39 tạ/ha), sản lượng ước đạt 8.898 tấn, giảm 16,82% (-1.799 tấn); Đậu các loại gieo trồng được 36 ha, giảm 13,46% (-6 ha), năng suất ước đạt 8,05 tạ/ha, giảm 25,87% (-2,81 tạ/ha), sản lượng ước đạt 29 tấn, giảm 35,85% (-16 tấn) so với cùng kỳ. 

nong nghiep
Diện tích gieo trồng cây hàng năm 6 tháng đầu năm, năm 2024 (so với cùng kỳ)
Diện tích cây trồng hàng năm không mang lại hiệu quả hoặc hiệu quả không cao được chuyển sang cây trồng khác cho giá trị kinh tế cao hơn.
Trên cơ sở lịch thời vụ, cơ cấu giống vụ Mùa 2024, kết hợp với tình hình sinh vật gây hại thường phát sinh trên lúa vụ Mùa trong những năm gần đây và tình hình sinh vật hại chuyển vụ, các cơ quan chuyên môn dự kiến một số đối tượng sinh vật hại chính sẽ phát sinh trong vụ Mùa 2024 như sau: chuột, bọ trĩ, sâu keo, sâu cuốn lá nhỏ… Trong từng đợt phát sinh gây hại của từng đối tượng, cơ quan chuyên môn sẽ có thông báo và hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng trừ kịp thời. Các địa phương cần chủ động và phối hợp tổ chức phòng trừ kịp thời các đối tượng sinh vật hại để bảo vệ an toàn cho sản xuất.

Cây lâu năm: Tổng diện tích cây lâu năm trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 438.036 ha, giảm 0,26% (-1.146 ha) so với cùng kỳ năm trước. 

Cây ăn quả các loại 17.373 ha, chiếm 3,97% trong tổng diện tích cây lâu năm, tăng 20,45% (+2.950 ha) so với cùng kỳ. Trong đó: Cây xoài hiện hiện có 415 ha, tăng 5,38% (+21 ha); cây chuối hiện có 2.005 ha, tăng 26,81% (+424 ha); cây bưởi hiện có 1.483 ha, tăng 2,43% (+25 ha). Nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất vườn kém hiệu quả sang trồng một số loại cây ăn quả, điển hình là cây chuối, bưởi da xanh. Việc chuyển đổi này giúp người nông dân cải thiện kinh tế, tạo thêm việc làm và tận dụng quỹ đất hiện tại. Cùng với đó, việc vận động và hướng dẫn người dân mạnh dạn tham gia trồng các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao nhằm phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp.

Cây công nghiệp lâu năm chủ lực của tỉnh ước thực hiện 420.263 ha, chiếm 95,94%, giảm 0,97% (-4.110 ha) so với cùng kỳ năm 2023. Chia ra: Cây điều hiện có 149.150 ha, giảm 1,80% (-2.728 ha), sản lượng ước 153.113 tấn, giảm 21,58% (-42.144 tấn); cây hồ tiêu hiện có 12.450 ha, giảm 8,50% (-1.157 ha), sản lượng ước 22.616 tấn, giảm 3,72% (-874 tấn); cây cao su hiện hiện có 244.650 ha, giảm 0,11 (-275 ha), sản lượng thu ước đạt 99.587 tấn, tăng 2,32% (+2.153 tấn); cây cà phê hiện hiện có 14.013 ha, tăng 0,36% (+50 ha). Do thời tiết nắng nóng kéo dài đã làm giảm năng suất, sản lượng của các loại cây trồng nói chung và cây tiêu và cây điều chủ lực của tỉnh Bình Phước nói riêng. 

Về giá bán các sản phẩm trong tháng 6/2024 như sau: Mủ cao su sơ chế 36.210 đồng/kg, cà phê nhân 67.429 đồng/kg, hạt điều khô 33.809 đồng/kg, hạt tiêu khô 126.806 đồng/kg.

Công tác bảo vệ thực vật vẫn được các cấp, các ngành duy trì theo dõi diễn biến dịch bệnh và xử lý kịp thời khi có phát sinh trên cây trồng do đó tình hình sâu bệnh trên các loại cây trồng đều ở mức độ nhẹ ảnh hưởng không đáng kể đến sinh trưởng và phát triển cây trồng.  

b. Chăn nuôi 

Tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn phát triển ổn định, các cơ quan chức năng tăng cường triển khai kiểm tra, giám sát chặt chẽ, không có dịch bệnh lớn xảy ra.

Nhìn chung chăn nuôi trâu, bò, gà, vịt có xu hướng tăng so với cùng kỳ. Ước tính đến ngày 15/6/2024, tổng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh đạt 1.132,66 nghìn con, tăng 10,26% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đàn trâu đạt 12,08 nghìn con, giảm 2,82%; đàn bò đạt 40,52 nghìn con, tăng 0,78%; đàn lợn đạt 2.080,06 nghìn con, tăng 10,55% so với cùng kỳ năm trước. 

Đàn gia cầm phát triển tốt do nhu cầu tiêu dùng sản phẩm gia cầm tăng, giá bán các sản phẩm gia cầm được ổn định, mức có lãi cho người chăn nuôi, ước tính 6 tháng đầu năm 2024, đàn gia cầm đạt 10.289 nghìn con, tăng 9,31%. Trong đó: đàn gà 9.901 nghìn con, tăng 9,19% so với cùng kỳ năm 2023.

Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 721 tấn, tăng 1,69% so với cùng kỳ năm trước; thịt bò đạt 1.702 tấn, tăng 2,72%; thịt lợn đạt 152,36 nghìn tấn, tăng 18,97%; thịt gia cầm đạt 47,67 nghìn tấn, tăng 11,58% (trong đó gà 47,52 nghìn tấn, tăng 11,59%); Sản lượng, sản phẩm không qua giết mổ của đàn gia cầm cũng đã đóng góp vào giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp và là nguồn cung cấp trứng cho nhu cầu của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Ước tính sản lượng trứng gia cầm đạt 183,39 triệu quả, giảm 4,40% (trứng gà 180,42 triệu quả, giảm 4,63%) do số lượng gia cầm nuôi lấy trứng giảm tập trung vào nuôi lấy thịt nhiều hơn.

Toàn tỉnh vẫn duy trì 88 trại gia cầm (80 trại gà và 8 trại vịt) có 59 trại chăn nuôi công nghệ chuồng lạnh, kín, tự động hoặc bán tự động (chiếm 67% số trại gia cầm), còn lại là trại hở, bán nuôi thả. Các trại gia cầm chủ yếu cho nuôi gia công hoặc cho các công ty, tập đoàn thuê chăn nuôi như CP, Emivest, Vietswan, Sunjin, Japfa.

chan nuoi
Sản phẩm chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2024 (so với cùng kỳ)


Tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc và gia cầm. Ngành thú y đang khẩn trương tổ chức triển khai tiêm phòng đại trà, theo chiến dịch, thường xuyên rà soát tiêm phòng nhắc lại, tiêm phòng bổ sung, bảo đảm tối thiểu 80% đàn vật nuôi trên địa bàn theo các chương trình, kế hoạch đã được UBND tỉnh ban hành. Tổ chức hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi heo trên địa bàn thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi theo hướng dẫn của nhà sản xuất và cơ quan quản lý chuyên ngành thú y. Đến nay tình hình dịch bệnh trên tổng đàn gia súc và gia cầm tương đối ổn định, góp phần phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Các loại dịch bệnh như Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục, bệnh Dại động vật, Dịch tả lợn cổ điển, Cúm gia cầm, Niu-cát-xơn…không phát sinh.

"Nguồn: binhphuoc.gov.vn"

Lúa
Sản lượng: 41
Mùa vụ: 6 tháng đầu năm 2024
Tỉnh Bình Phước